Nội dung chính
Miền trung Việt Nam, một trong 15 điểm cần phải đến của thế giới (do tạp chí World Travel bình chọn). Sở hữu cho mình nhiều thắng cảnh nổi tiếng khắp thế giới như Động Phong Nha (Quảng Bình), bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), bãi biển Nha Trang… Ngoài ra, Miền trung Việt Nam còn có những đặc điểm khí hậu, thời tiết vô cùng thú vị. Hãy cùng với dự báo thời tiết hôm nay tìm hiểu nhanh về đặc điểm của khí hậu miền Trung nhé.
Vị trí và phân vùng miền Trung Việt Nam
Một góc biển đảo miền Trung Việt Nam
Miền Trung Việt Nam được phân chia thành 3 vùng riêng biệt là Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó phía Bắc giáp với khu vực trung du miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng. Phía Tây giáp với Lào và Campuchia, phía Nam tiếp giáp với Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, phía Đông tiếp giáp với biển Đông. Chính vì địa thế độc đáo dựa núi, hướng ra biển này, khiến cho eo biển miền Trung là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Với những bãi biển trải dài đến vô tận, và những dãy núi cao hùng vĩ.
Khí hậu miền Trung được phân hóa theo 3 tiểu vùng nhỏ
- Miền Bắc Trung Bộ: Nằm ở vị trí tiếp giáp trên bản đồ của các tỉnh miền Bắc. Đặc trưng của Bắc Trung Bộ là những dãy núi phía Tây, giáp với Lào, có độ cao thấp và trung bình. Địa hình cao nhất là Thanh Hóa (có độ cao khoảng 1000 - 1500m). Khu miền núi Nghệ An, Hà Tĩnh còn được gọi là đầu nguồn của dãy núi Trường Sơn. Nơi đây có địa hình vô cùng hiểm trở, gồm nhiều dãy núi cao.
- Tây Nguyên: Có tổng diện tích khoảng 54.473,7km2, nằm tại phía Tây và Tây Nam Trung Bộ. Phía Tây của vùng này tiếp giáp trực tiếp với 2 nước Lào và Campuchia. Địa hình chủ yếu ở Tây Nguyên là núi cao và cao nguyên
- Duyên hải Nam Trung bộ: Địa hình đặc trưng là đồng bằng ven biển và núi thấp. Chiều ngang theo hướng Đông Tây, hẹp hơn hẳn so với hai vùng trên. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có hệ thống sông ngòi khá phong phú, đa dạng.
Nhìn chung, miền Trung Việt Nam có địa hình khá cao và thấp dần theo hướng miền núi đến đồi gò trung du, xuôi theo đồng bằng ven biển.
Những nét đặc trưng của khí hậu miền Trung
Ở từng tiểu vùng khác nhau, đặc điểm khí hậu miền Trung sẽ có những sự khác biệt. Cụ thể:
Khí hậu khu vực Bắc Trung Bộ
Một góc Thành phố Huế - khu vực Bắc Trung Bộ
- Tại tiểu vùng nay, mùa đông có gió thổi theo hướng Đông Bắc sẽ mang theo hơi nước từ biển Đông vào nên toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết lạnh giá kèm theo mưa. Đây chính là điểm khác biệt hoàn toàn với thời tiết khô hanh của mùa Đông ở miền Bắc.
- Vào mùa Hè, gió không mang theo hơi nước từ biển vào nhưng lại xuất hiện gió mùa Tây Nam(gió Phơn) thổi ngược lên khiến cho thời tiết trở nên rất khô nóng. Mùa hè tại Bắc Trung Bộ có những ngày nhiệt độ có thể lên đến trên 40 độ C, độ ẩm trong không khí lại rất thấp.
Khí hậu vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ
Một góc duyên hải Nam Trung Bộ
Do có dãy núi Bạch Mã nên gió mùa Đông Bắc khi thổi đến khu vực này thường bị suy yếu. Vào mùa hè, gió mùa Tây Nam xuất hiện và thổi mạnh từ vịnh Thái Lan tràn qua dãy Trường Sơn mang theo thời tiết khô nóng cho cả tiểu vùng. Đây có thể được xem như là đặc sản của khí hậu miền Trung. Vào mùa hè, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra, khiến cho việc canh tác nông nghiệp của người dân miền Trung gặp không ít khó khăn.
Mùa mưa bão ở miền Trung
Hình ảnh cơn lũ lịch sử tại miền Trung năm 2020
Nhắc tới khí hậu miền Trung, chắc chắn chúng ta sẽ không thể bỏ qua tình hình bão lũ vào mùa mưa. Vào đầu tháng 9, các tỉnh ở miền Trung, nhất là các tỉnh ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ sẽ bắt đầu bước vào mùa mưa. Qua đó, lượng mưa tại Thanh Hóa được dự báo ở mức khoảng 300 - 400mm, tại Vinh và Huế là khoảng 350 - 450mm và tại Đà Nẵng có thể đạt từ 250 - 350mm. Mặc dù mùa mưa thường bắt đầu sớm từ tháng 9 nhưng cường độ mưa ở miền Trung sẽ đạt đỉnh vào tháng 10, tháng 11. Mưa xảy ra thường xuyên ở trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên gây nên tình trạng lũ quét và sạt lở đất, xói lở bờ sông.
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và các khu vực Tây Nguyên mỗi năm thường xuất hiện ít nhất 1 đến 2 đợt bão lũ. Trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận có lũ nhưng nhỏ hơn. Các đợt lũ lớn trong năm ở miền Trung thường do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây nên. Nhiều đợt lũ lụt còn có thể do bão kết hợp với gió mùa đông bắc hoặc do áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa đông bắc gây ra mưa lớn. Chính vì mức độ lũ lụt như vậy, nên miền Trung còn được gọi là “rốn lũ”.
Hàng năm, miền Trung Việt Nam phải gánh chịu rất nhiều hậu quả do lũ lụt, gây nên những thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản của người dân. Đỉnh điểm, là đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung vào năm 2020, gây nên thiệt hại to lớn về tài sản trên toàn miền Trung, và khiến cho rất nhiều đồng bào phải thiệt mạng.
Xem Thêm: Những nét đặc trưng của khí hậu miền Bắc Việt Nam
Trên đất nước ta, không có nơi nào phải chịu nhiều thiên tai như miền Trung. Hàng năm, đến mùa mưa lũ, hàng triệu trái tim người Việt Nam lại cùng hướng về khúc ruột thân thương này. Tuy nhiên, cũng chính vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đã sinh ra những con người miền Trung kiên cường, chịu thương, chịu khó. Hi vọng rằng, bài viết về khí hậu miền Trung hôm nay sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin thời tiết hữu ích, đừng bỏ lỡ những bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé.